GIÁO ÁN
CHUYÊN ĐỀ “BÉ TẬP LÀM NỘI TRỢ”
Đề tài: Bé tập nặn bánh trôi
Chủ đề: Dinh dưỡng và sức khỏe
Lĩnh vực: Phát triển thể chất
Độ tuổi: 5 tuổi A1
Thời gian: 30-35 phút
Giáo viên soạn - dạy: Phạm Thị Phượng
Đơn vị: Trường mầm non Quốc Tuấn
Ngày soạn: 19/ 3/ 2023
Ngày dạy: 23/ 3/ 2023
I. Mục đích yêu cầu:
- Trẻ biết, phối hợp các nguyên liệu (Bột, đỗ, đường, ...) và thao tác đúng để làm bánh trôi; biết giá trị dinh dưỡng, lợi ích của món ăn..
- Rèn sự phối hợp các cử động của bàn tay, ngón tay khi thực hiện các kỹ năng xoay tròn, ấn bẹt, vuốt và sự khéo léo của trẻ khi nặn bánh trôi. Rèn kỹ năng phối hợp cùng bạn trong các hoạt động.
- Trẻ hứng thú, tích cực tham gia vào các hoạt động, trân trọng sản phẩm đã làm ra.
II. Chuẩn bị:
1. Đồ dùng của cô
- Video làm bánh trôi
- Bếp từ, nồi nước, bát nước đun sôi để nguội, muôi thủng
2. Đồ dùng của trẻ
- Bàn, ghế, tạp dề, khay inox, đĩa to, dĩa.
- Nguyên liệu: Bột nếp năm màu: Màu hồng từ củ dền, màu vàng từ quả dành dành, màu xanh lá từ lá nếp, màu xanh dương từ hoa đậu biếc và màu trắng. Đường phèn viên hạt lựu, đỗ xanh đã hấp chín và viên sẵn, nước đường nấu với gừng.
3. Một số đồ dùng khác bổ trợ cho tiết học
III.Tiến hành:
*HĐ1: Vũ điệu đôi bàn tay
- Trẻ vận động theo nhạc vũ điệu đôi bàn tay (xoay cổ tay, khớp tay, ngón tay, bàn tay).
- Trò chuyện về đôi bàn tay.
- Kiểm tra tay trẻ (Tay sạch chưa? Làm gì để có đôi tay sạch?)
- Cho trẻ quan sát, trò chuyện về chất dinh dưỡng của các nguyên liệu -> Trẻ nêu ý tưởng làm món ăn với các nguyên liệu đó.
=> Cô và trẻ thống nhất: Làm bánh trôi
- Hỏi trẻ cách làm và mời 1-> 2 trẻ thực hiện thao tác.
=> Cô chốt lại thao tác qua video (Kết hợp hỏi trẻ): Lấy một phần bột vừa đủ lên tay, dùng 2 lòng bàn tay xoay tròn, ấn đầu ngón tay làm lõm ở giữa và cho nhân đường ( nhân đỗ ) vào, dùng hai đầu ngón tay phải vê bột kín lại và tiếp tục xoay đến khi chiếc bánh tròn là xong. Nặn xong để vào đĩa. Sau đó thả những viên bánh vào nồi nước đang sôi, đậy vung lại. Khi bánh chín sẽ nổi trên mặt nước, dùng muôi lỗ vớt bánh thả vào nước đun sôi để nguội rồi vớt bánh ra đĩa, chấm vừng cho món ăn thêm thơm và đẹp mắt. Đối với bánh trôi nhân đỗ, các con sẽ xếp bánh vào bát và thêm nước đường, gừng để thưởng thức.
- Hỏi ý tưởng trẻ:
+ Con thích nặn bánh trôi gì?
+ Con nặn như thế nào? (Cô hỏi đều số trẻ trong các nhóm để trẻ nhớ lại các thao tác)
*HĐ2: Trẻ nặn bánh trôi
- Trẻ nhận nhóm bạn -> Lấy đồ dùng về nhóm làm.
- Cô bao quát và hướng dẫn trẻ.
-> Trong khi nặn bánh, cô chuẩn bị trên bếp một nồi nước. Khi nước sôi, cô sẽ giúp trẻ thả các viên bột vừa nặn vào, đậy vung để đun.
-> Giáo dục trẻ: Lưu ý khi luộc bánh trôi cần có sự giúp đỡ của người lớn vì nồi nấu cắm điện và nước rất nóng.
- Trẻ cùng thu dọn đồ dùng và trưng bày món ăn.
*HĐ3: Cùng bé thưởng thức
- Cô dành thời gian cho trẻ quan sát, nhận xét các nhóm.
-> Cô nhận xét chung, giáo dục trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để cơ thể khỏe mạnh
=> Kết thúc: Liên hoan butfe cùng các bạn.