BÀI VIẾT
NGÀY MỚI BẮT ĐẦU
Nông thôn được hiểu là phần lãnh thổ không thuộc nội thành, nội thị các thành phố, thị xã, thị trấn. Đây là khu vực kém phát triển, chưa có nhiều điều kiện xây dựng tiềm lực kinh tế, xã hội. Và được quản lý bởi cấp hành chính cơ sở là Ủy ban nhân dân xã. Các Khu vực nông thôn được xác định đối lập về điều kiện cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng với thành thị
Xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng và cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư nông thôn đồng lòng xây dựng thôn, xã khang trang, sạch đẹp; phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ một cách toàn diện; có nếp sống văn hoá, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một trong những nội dung, nhiệm vụ quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành TW Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là chương trình có mục tiêu toàn diện, tổng hợp của các chương trình, mục tiêu, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, liên quan trực tiếp đến kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của hơn 70% dân số toàn quốc và được triển khai thực hiện trong thời gian dài. Xây dựng nông thôn mới đặt ra là một tất yếu khách quan phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội hiện đại. Song, vấn đề đặt ra là cần phải xác định rõ những chủ thể xây dựng nông thôn mới.
Từ đó mở ra quyết tâm trong định hướng thúc đẩy phát triển ở nông thôn, tránh khác biệt quá lớn giữa các vùng miền, khu vực. Đây là chương trình tổng thể về phát triển kinh tế – xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng. Mang đến đồng đều trong khả năng, cơ hội và điều kiện phát triển.
Có quan điểm cho rằng chủ thể xây dựng nông thôn phải là chính quyền lãnh đạo của các cấp, như thôn, xã, huyện, thành phố... Tuy nhiên, trên thực tế, người nông dân mới thực sự là chủ thể xây dựng nông thôn mới. Trong môi trường làng, xã, mỗi một cá nhân người dân hoàn toàn có thể hi sinh lợi ích của bản thân mình như hiến đất, rời nhà… vì lợi ích tập thể. Chính vì những nguyên nhân đó mà cơ sở thôn xã trở thành một cơ sở quan trọng cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới và thực hiện nền kinh tế hiện đại.
Nông thôn Việt Nam vốn có truyền thống hợp tác, chính các tổ chức hợp tác nông thôn là nơi quy tụ tất cả nông dân lại với nhau, nó là chủ thể để đưa từng người nông dân ở từng gia đình thâm nhập vào thị trường và tìm kiếm những lợi ích thị trường đó. Có thể nói, một khi tổ chức nông dân giành được lợi ích thị trường, thì cũng có nghĩa là người nông dân hưởng thụ được những lợi ích này. Lợi ích từ việc xây dựng nông thôn mới.
Sự tham gia của người dân vào việc xây dựng nông thôn mới được coi như nhân tố quan trọng, quyết định sự thành bại của việc áp dụng thí điểm mô hình. Khi tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân tại các thôn xã sẽ từng bước được tăng cường kỹ năng, năng lực về quản lý nhằm tận dụng triệt để các nguồn lực tại chỗ và bên ngoài. Khi xem xét quá trình tham gia của người dân trong các hoạt động trong việc xây dựng nông thôn mới, vai trò của người dân ở đây được thể hiện: Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân hưởng lợi.
Như vậy, vai trò của người dân vẫn theo một trật tự nhất định, các trật tự ở đây hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Đảng ta “lấy dân làm gốc”. Các nội dung nâng cao vai trò của người dân trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới được hiểu là: Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân hưởng lợi.
Nhờ có chương trình xây dựng NTM nên diện mạo nông thôn đã phát triển tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của bà con nông dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Chương trình xây dựng NTM luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, sự đồng tình hưởng ứng tham gia nhiệt tình của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp nên đạt được nhiều kết quả tích cực và toàn diện. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về xây dựng NTM ngày càng được nâng lên; vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM được phát huy hiệu quả; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện; diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới rõ nét. Diện mạo các địa phương, vùng nông thôn đã được chương trình xây dựng NTM “làm mới” khá toàn diện, như: Hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng... được xây dựng khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hỗ trợ vốn... được quan tâm thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực.
Qua triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, người dân đã hiến hàng nghìn m2 đất, hàng trăm trụ cổng, hàng rào và hàng nghìn cây cối cùng các loại tài sản khác ước tính lên đến hàng vài chục tỷ đồng. Nếu như không có vai trò của Ban Công tác Mặt trận trong đó có các thành viên là Chi hội Phụ nữ, Nông dân, Hội Cựu Chiến Binh, Đoàn Thanh niên, Hội Người Cao Tuổi, Hội CTĐ, Hội Khuyến học cùng vào cuộc cùng đến tận từng gia đình để tuyên truyền vận động với nhiều hình thức để người dân hiểu và có nhận thức đúng về chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới nhằm đạt được sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân trong quá trình triển khai thực hiện.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn. Một số đoạn đường dân hiến đất, hiến cây cối nhưng lại không tham gia chỉnh trang tu tạo lại đường khi đã giải tỏa xong, một số người dân vẫn chưa thực sự nhiệt tình trong việc hiến đất hoặc giải tỏa để thực hiện các tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu là biện pháp tổng hợp để phát triển nông thôn và cần phải được thực hiện ngay từ chính những người dân ở cộng đồng dân cư. Sự tham gia của người dân và cộng đồng đóng vai trò quan trọng thì việc xây dựng nông thôn mới đi đúng trọng tâm, trọng điểm; giải quyết tốt những khó khăn bức xúc của người dân trong sản xuất, phát triển kinh tế nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của họ.
Chính vì vậy cần phải khẳng định và phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu./.
Ví dụ nhất là điển hình nhất : Năm 2020, xã Tân Dân là một trong 8 xã đầu tiên của thành phố được lựa chọn để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Sau 3 năm với nguồn lực đầu tư lớn từ thành phố, sáng tạo trong cách làm, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, xã Tân Dân có diện mạo hoàn toàn mới. Hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đã đem lại diện mạo mới cho xã, đời sống người dân ngày càng cải thiện. Hệ thống đường giao thông trong xã đã đảm bảo tiêu chí về đích nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu với 7,73 km đường liên xã (chiều rộng 9m, có vỉa hè mỗi bên rộng 1,5 m); hơn 10 km đường trục thôn (chiều rộng 7m, có vỉa hè), gần 19 km đường ngõ xóm trải nhựa sáng xanh sạch đẹp. Các tuyến đường nội đồng được làm lại để người dân thuận tiện trong sản xuất và giao thương. Cùng với hệ thống đường giao thông, cảnh quan, môi trường tại Tân Dân có sự thay đổi vượt bậc.
( Những con đường mới)
Từ những thôn kiểu mẫu như Đại Hoàng, xã Tân Dân tiếp tục triển khai ở các thôn, xóm khác trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu. Từ cách làm của Tân Dân, huyện An Lão áp dụng triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao trên toàn địa bàn huyện.
Cùng với Tân Dân, xã Chiến Thắng cũng đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Vào tháng 12/2022, 13 xã khác trên địa bàn huyện hoàn thành chương trình xây dựng dựng nông thôn mới. Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, tháng 4/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 391/QĐ-TTg công nhận An Lão đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2022.
Chung sức xây dựng quê hương, nhiều người con An Lão đã nghiên cứu, học tập, phát triển doanh nghiệp. Là người sinh ra, lớn lên, lập nghiệp thành công ở chính quê hương mình, ông Vũ Văn Toàn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại sản xuất Thủ đô (xã An Thắng) cho biết, Công ty thành lập từ năm 2008, với ngành nghề chính là sản xuất ba lô, túi xách, áo mưa. Từ một xưởng may nhỏ, với ý chí và khát vọng, cùng sự đồng hành của chính quyền huyện, thay đổi về hạ tầng, Công ty trở thành thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn. Theo ông Vũ Văn Toàn, trong suốt quá trình xây dựng, phát triển, huyện luôn tạo điều kiện tối đa khi công ty xây dựng, mở rộng xưởng sản xuất, cấp chứng nhận quyền sử dụng đất. Các thủ tục hành chính liên quan luôn được giải quyết nhanh, thuận lợi.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tập trung đầu tư, thu hút các dự án lớn là định hướng chiến lược của huyện An Lão thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phát triển Khu Công nghiệp Tràng Duệ mở rộng giai đoạn 3 về phía 4 xã của huyện An Lão với quy mô 687 ha. An Lão còn có Khu Công nghiệp Cầu Cựu, 6 cụm công nghiệp đã quy hoạch, trong đó cụm công nghiệp Cống Đôi, xã An Tràng và cụm công nghiệp thị trấn An Lão tỉ lệ lấp đầy cao. Các cụm còn lại gồm Cẩm Văn, Cửa Hoạt - Quán Thắng, Chiến Thắng, An Thọ đang được khảo sát, triển khai. Huyện có điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông thủy, ngành đóng tàu, logistics và du lịch sinh thái.
( Bộ phận sản xuất áo mưa, cặp sách của công ty Thủ Đô Vàng)
Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương thì bản thân tôi là một giáo viên mầm non cũng đã tích cực tuyên truyền tới gia đình, người thân cũng như phụ huynh học sinh trong việc hiến đất hoặc chấp hành chủ trương của đảng về việc giải tỏa đường đi…, chấp hành tốt việc đóng góp kinh phí để xây dựng đường làng ngõ xóm sạch đẹp góp phần xây dựng phường, xã, quê hương đất nước giàu đẹp. Tương lai tươi sáng sẽ bắt đầu từ ngày hôm nay./.
NGƯỜI VIẾT
Nguyễn Thị Phượng